Khám tai mũi họng cho bé - những vấn đề cha mẹ nên lưu tâm
Khám tai mũi họng cho bé - những vấn đề cha mẹ nên lưu tâm
Do sức đề kháng còn non nớt nên trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh lý tai mũi họng. Điều đáng nói là các bộ phận này liên thông với nhau qua các xoang và gần với não nên chỉ cần một bộ phận bị viêm là các bộ phận còn lại rất dễ bị lây nhiễm và làm tăng nguy cơ mắc các tổn thương cho não bộ. Khám tai mũi họng khi có dấu hiệu nghi ngờ bất thường giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý đường hô hấp trên từ đó ngăn ngừa được những hệ lụy đó.
1. Thực trạng về bệnh tai mũi họng ở trẻ nhỏ và các bệnh lý thường gặp
So với người lớn thì trẻ em có nguy cơ cao hơn với các bệnh tai mũi họng vì sức đề kháng yếu. Mặt khác, thể trạng của mỗi trẻ không giống nhau nên biểu hiện liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp này cũng có sự khác nhau. Điều đặc biệt nữa là bệnh có đặc thù chuyển biến tương đối nhanh nên có những trường hợp chỉ cần cha mẹ bỏ qua dấu hiệu cảnh báo bệnh là bệnh đã nhanh chóng trở nặng.
Viêm họng là bệnh rất dễ gặp ở trẻ em
Ngoài ra, có một thực tế rất dễ thấy hiện nay là nhiều bậc phụ huynh tự tìm hiểu rồi chẩn đoán bệnh cho con và tự mua thuốc về cho trẻ sử dụng. Việc làm này về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng của trẻ, khiến bệnh trở thành mạn tính, dễ rơi vào tình trạng kháng kháng sinh,...
Do tai mũi họng là các bộ phận liên thông với nhau qua các hốc xoang tự nhiên và thông với môi trường bên ngoài nên chỉ cần một bộ phận mắc bệnh thì các bộ phận khác cũng khó tránh bị ảnh hưởng. Hiện nay, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh lý tai mũi họng sau đây:
- Viêm tai giữa: nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn, virus, nấm gây ra. Nếu không được điều trị hiệu quả bệnh có thể chuyển sang mạn tính hoặc viêm tai xương chũm mạn tính.
- Viêm họng: thường là do sức đề kháng của trẻ còn yếu nên khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh kém.
- Viêm mũi xoang: thường gặp những trẻ suy dinh dưỡng, cơ địa dị ứng,... hoặc trẻ bị các bệnh viêm đường hô hấp trên nhưng không được điều trị dứt điểm.
- Viêm amidan: thường gây nên triệu chứng nuốt đau, sốt cao, đau nhói lên tai khi nuốt,...
2. Một số vấn đề cơ bản về khám tai mũi họng cho bé
2.1. Như thế nào là khám tai mũi họng?
Khám tai mũi họng cho bé là quy trình chẩn đoán và quản lý tất cả những bệnh liên quan đến mũi xoang, tai, khoang miệng, vòm mũi họng, hầu họng, thanh quản và các cấu trúc vùng mặt cổ. Bản thân các bệnh tai mũi họng thường liên quan đến nhau nên việc khám tai mũi họng cho bé định kỳ và khi có dấu hiệu nghi ngờ không chỉ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh ở khu vực này từ sớm mà còn giúp tầm soát và phát hiện sớm các loại ung thư vùng đầu mặt.
2.2. Khi nào bố mẹ nên cho con đi khám tai mũi họng?
Cha mẹ nên đi khám tai mũi họng cho bé ngay khi phát hiện con gặp các triệu chứng sau:
Những dấu hiệu bất thường cha mẹ cần lưu tâm để khám tai mũi họng cho bé
- Thường xuyên bị ngạt mũi, sổ mũi, kêu đau nhức xung quanh vùng mũi.
- Bị sổ mũi, hắt hơi kèm đau họng trong thời gian dài.
- Bỗng nhiên sốt cao kèm cảm giác nuốt vướng, họng đau rát.
- Bị ho nhiều, ho khan, ho có đờm tái phát thường xuyên.
- Bị giảm/mất thính lực, đau tai, trong tai có dịch hoặc mủ bất thường.
2.3. Những lưu ý khi nội soi tai mũi họng cho bé
Nội soi tai mũi họng là thủ thuật thường diễn ra khi bác sĩ khám tai mũi họng cho bé. Đây là kỹ thuật dùng ống nội soi mềm chuyên dụng có gắn camera đưa vào bên trong tai mũi họng để bác sĩ quan sát các ngóc ngách và phát hiện bất thường tại đây, xác định vị trí tổn thương để chẩn đoán bệnh lý và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả cho bé.
Thủ thuật nội soi tai mũi họng thường được bác sĩ chỉ định khi bé có các biểu hiện như:
- Tái phát ngạt mũi suốt thời gian dài.
- Ho thường xuyên và kéo dài.
- Bị chảy máu cam thường xuyên.
- Có biểu hiện viêm VA như: ngạt mũi, ngủ ngáy, ra nước mũi màu xanh và đặc,...
- Nuốt đau.
- Bị khàn tiếng.
- Tai bị đau, ù, có mủ bên trong,...
- Có dị vật trong tai mũi họng.
Mặc dù trong các trường hợp trên, nội soi là cần thiết khi khám tai mũi họng cho bé và có những ưu điểm nổi trội; nhưng vẫn có những sự cố có thể xảy ra. Nguyên nhân của điều này là do phụ huynh giữ bé không chặt, trẻ lo sợ, trẻ quẫy đạp, trẻ quấy khóc hoặc la hét,... Hệ quả từ đó là xây xát gây chảy máu do va chạm với ống nội soi hoặc dụng cụ đè lưỡi trong quá trình bác sĩ thực hiện thủ thuật.